“Tắc sữa còn đau hơn đau đẻ” – đó là lời kể ám ảnh của rất nhiều mẹ đã từng trải qua cảm giác này. Vậy có phải ai cũng bị tắc sữa hay không? Nguyên nhân tắc sữa bắt nguồn từ đâu? Các mẹ hãy cùng tangsua.blogspot.com tìm hiểu 5 “thủ phạm” hàng đầu gây ra tình trạng này nhé!
Ăn nhiều móng giò có thể là nguyên nhân gây tắc sữa
Từ trước đến nay chúng ta vẫn mặc định móng giò là món ăn tốt nhất cho sữa mẹ, thậm chí có nhiều mẹ cả tháng trời ngày nào cũng phải ăn móng giò vì muốn có nhiều sữa cho con.
Tuy nhiên, các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng việc người mẹ ăn món gì không có ý nghĩa bằng việc họ cảm thấy thế nào khi ăn những món đó. Điều này có nghĩa là ăn những món mà người mẹ thích thú, thấy ngon miệng và thoải mái sẽ giúp họ có nhiều sữa cho con bú hơn.
Nói riêng về móng giò, trong đó chữa nhiều chất dinh dưỡng tốt cho phụ nữ sau sinh, nhưng chỉ cần ăn khi người mẹ thực sự muốn. Thúc ép họ ăn quá nhiều có thể gây ra cảm giác sợ hãi bữa ăn, lượng mỡ động vật trong móng giò tích tụ quá nhiều cũng khiến người mẹ bị béo phì, sữa mẹ đông chặt lại rồi tắc ứ trong các ống dẫn. Vì vậy nên ăn nhiều móng giò mới trở thành một trong những nguyên nhân tắc sữa.
Cho con bú không đúng cữ, thay đổi cữ bú đột ngột
Trẻ sơ sinh không thể bú đúng giờ, chúng có thể bú cả ngày lẫn đêm, miễn là khi nào thấy đói, nhưng nhìn chung cữ bú một ngày dao động trong khoảng 8 – 10 cữ.
Cho con bú đều đặn giúp người mẹ có nhiều sữa hơn, đồng thời “giải thoát” cho lượng sữa ứ đọng trong bầu ngực. Trường hợp người mẹ đột nhiên giảm cữ bú của con (ví thử như khi mẹ phải đi làm, cai sữa cho con), sữa vẫn tiếp tục tiết ra sẽ đông lại, vón cục và gây tắc tia sữa. Để khắc phục vấn đề này, người mẹ có thể dùng máy hút hoặc tay vắt sữa ra khỏi bầu ngực.
Không vắt sữa thừa sau khi cho con bú
Khi cho con bú, người mẹ nên cho bé bú hết một bên bầu ngực, sau đó chuyển sang bên còn lại. Nếu bé bú không hết thì phải dùng tay hoặc máy vắt bỏ sữa thừa. Kể cả bên ngực bé đã bú hết cũng vẫn còn sữa thừa đọng lại, mẹ có thể dùng tay vắt hết ra. Việc này giúp cho sữa không bị đọng lại trong ống dẫn, chúng sẽ không vón cục lại làm tắc đường đi của sữa vào những cữ bú sau.
Sau khi vắt xong, người mẹ cũng có thể massage nhẹ nhàng bầu ngực một chút để ống dẫn sữa và tuyến sữa được khơi thông, đồng thời tăng khả năng tuần hoàn máu.
Vệ sinh kém là nguyên nhân tắc sữa
Khi em bé bú hoặc người mẹ hút sữa xong, sữa thừa vẫn còn đọng lại ở đầu ngực. Sữa này sau khi tiếp xúc với không khí sẽ bị ôi thiu, xuất hiện mùi chua và vón lại thành cục. Nó làm bít đường thoát ra của những ống dẫn sữa rất nhỏ ở đầu vú, và trở thành một trong những nguyên nhân tắc sữa điển hình.
Vì vậy, sau khi cho con bú hoặc vắt hút sữa, mẹ nhớ dùng khăn xô ướt vệ sinh sạch sẽ, sau đó lau lại một lần nữa bằng khăn khô nhé.
Tâm lý căng thẳng của người mẹ gây tắc sữa
Mặc dù trên thực tế, tâm lý căng thẳng dễ làm người mẹ bị mất sữa hơn là tắc sữa, nhưng vẫn có một số trường hợp bị tắc sữa vì nguyên nhân này.
Nguyên nhân là do sự căng thẳng trong tâm lý làm ảnh hưởng đến các hormone tiết sữa, ức chế tuyến sữa và làm sữa đông lại thành từng cục. Do đó trong thời gian nuôi con bằng sữa mẹ, các mẹ hãy cố gắng giữ cho tâm lý luôn thoải mái, vui vẻ.
Những người bị tắc sữa 1 lần rất dễ bị tắc sữa tái phát. Dựa vào những nguyên nhân tắc sữa này, mẹ hãy dự trù cho mình những biện pháp ngăn ngừa tắc sữa quay lại nhé!